Sàn gỗ là một trong những lựa chọn phổ biến giúp tạo nên sự ấm áp, sang trọng cho ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, để duy trì vẻ đẹp và bền bỉ của sàn gỗ, việc ốp lát sàn gỗ đúng cách là rất quan trọng. Bạn có thể thuê thợ để thực hiện công việc này, nhưng tự ốp sàn gỗ không chỉ tiết kiệm tiền mà còn là cách để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật riêng cho ngôi nhà của mình.

Trong video này, Blog Nội Thất Đẹp sẽ hướng dẫn bạn một số bước cơ bản để tự ốp sàn gỗ đẹp như thợ mà không cần phải tốn nhiều tiền để thuê một bên thứ ba.

Đồng thời xem hết video này, bạn sẽ biết thêm về những nội dung sau:

  • Vì sao nên chọn ốp sàn gỗ?
  • Các kiểu ốp sàn gỗ được ưa chuộng hiện nay
  • Hướng dẫn các bước tự ốp sàn gỗ đơn giản dễ làm
  • Lưu ý khi ốp sàn gỗ

Vì sao nên chọn ốp sàn gỗ?

Sàn gỗ là một trong những lựa chọn tối ưu không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn về tính tiết kiệm, sức khỏe, và sự sang trong. Tiếp sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những lý do vì sao nên chọn ốp sàn gỗ cho ngôi nhà của mình.

  1. Tiết kiệm chi phí

Đối với nhiều gia đình, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở là một vấn đề quan trọng. Sàn gỗ nổi lên như một lựa chọn thông minh giúp tiết kiệm chi phí. So với các loại vật liệu lát sàn khác như gạch ceramic hay đá tự nhiên, sàn gỗ thường có giá thành thấp hơn, giúp bạn tiết kiệm một khoản đáng kể. Đặc biệt, việc tự lắp đặt sàn gỗ có thể giảm đi chi phí công thợ, công trình xây dựng trở nên thân thiện với túi tiền của nhiều gia chủ hơn.

  1. An toàn sức khỏe

Việc sử dụng sàn gỗ cho toàn bộ không gian ngôi nhà cho thấy rằng gia chủ là người rất quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Sàn gỗ có một số ưu điểm đáng kể nhờ đặc tính ổn định nhiệt độ của chất liệu gỗ tạo cảm giác ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, làm cho ngôi nhà của bạn trở nên thoải mái quanh năm.

  1. Tăng giá trị ngôi nhà, khẳng định đẳng cấp

Sàn gỗ không chỉ là vật liệu lát sàn thông thường mà còn là một biểu tượng của đẳng cấp và sự sang trọng. Một căn nhà được lắp đặt sàn gỗ cao cấp kết hợp với nội thất sang trọng tạo nên không gian khác biệt, mang vẻ đẹp đẳng cấp hơn nhiều so với các vật liệu lát sàn khác. Điều này không chỉ làm tăng giá trị của ngôi nhà mà còn thể hiện phong cách và gu thẩm mỹ của gia chủ.

  1. Dễ dàng thi công lắp đặt

Một trong những lợi ích lớn của sàn gỗ là tính dễ dàng trong việc lắp đặt. Nhiều sản phẩm sàn gỗ đi kèm với hướng dẫn chi tiết, cho phép bạn tự thực hiện việc lắp đặt một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn về kỹ năng của mình thì để đảm bảo sàn gỗ được an toàn và chất lượng, bạn cũng có thể tìm đến các chuyên gia để họ hoàn thiện công việc cho bạn, đảm bảo rằng mọi điều được thực hiện đúng cách.

Các kiểu ốp sàn gỗ được ưa chuộng hiện nay

Cũng giống như chất liệu gỗ, kiểu ốp sàn gỗ cũng rất phong phú và đa dạng. Những lựa chọn này không chỉ là về vẻ đẹp mà còn về sự phù hợp với phong cách thiết kế nội thất, không gian, và ngân sách của bạn. Dưới đây, chúng ta sẽ khám phá chi tiết một số kiểu lát sàn gỗ được ưa chuộng hiện nay cho bạn tiện tham khảo nha:

  1. Lát Thẳng Mạch (Lát Song Song)

Lát sàn thẳng mạch là một trong những kiểu ốp sàn gỗ cơ bản nhất và phổ biến nhất tại nhiều gia đình Việt. Đây là lựa chọn đơn giản và tối ưu, thường được áp dụng cho các loại ván sàn giả gỗ có thiết kế hèm phẳng. Các thanh gỗ được xếp sát nhau và song song với nhau, tạo ra một bề mặt liền mạch. Kiểu lát sàn gỗ này giúp giảm thiểu vấn đề hao hụt vật liệu và làm cho không gian sống của gia đình trở nên thoải mái và rộng rãi hơn.

  1. Lát Kiểu Giật Cấp (Lát Kiểu Xếp Đuổi)

Lát sàn kiểu giật cấp là một biến thể của lát thẳng mạch, nhưng có sự “đuổi” hoặc xếp ngẫu nhiên trong cách xếp các thanh gỗ. Thay vì xếp theo một tiêu chuẩn cố định, người thợ có thể xếp các thanh gỗ ngẫu nhiên hoặc theo tỷ lệ khác nhau, chẳng hạn như 1/3 hoặc 1/4 chiều dài của tấm sàn giả gỗ. Đây là một kiểu lát sàn độc đáo và tạo điểm nhấn cho không gian lớn với chi phí rất là phải chăng.

  1. Lát Vuông (Lát Giỏ Dệt)

Lát vuông là một kiểu lát sàn đơn giản, trong đó các thanh gỗ được xếp sẵn thành hình vuông và được ghép lại để tạo thành một bề mặt lát sàn vuông góc. Đây là một lựa chọn thích hợp cho các khu vực ngoài trời, như ban công gia đình. Tuy nhiên, trong không gian hẹp, kiểu lát này có thể gây cảm giác rối mắt. Và đặc biệt trong các kiểu ốp sàn gỗ lát vuông là phương pháp dễ làm nhất, bạn thậm chí có thể tự hoàn thiện sàn gỗ lát vuông ngay tại nhà cực dễ dàng.

  1. Lát Xương Cá (Herringbone)

Kiểu lát sàn xương cá (herringbone) là một trong những kiểu lát sàn đẳng cấp và sang trọng. Nó được lấy cảm hứng từ các mẫu sàn ốp gỗ phương Tây và tạo ra một hiệu ứng đặc biệt bằng cách xếp các thanh gỗ dọc hoặc chéo theo góc 45 độ để tạo thành hình xương cá. Kiểu lát này đòi hỏi kỹ thuật cao và tạo điểm nhấn rất rõ ràng cho không gian. Những ván gỗ sẽ được lát đan xen và đối xứng nhau, tạo nên hiệu ứng tinh tế, rất phù hợp với những công trình theo phong cách thiết kế tân cổ điển hoặc Indochine

  1. Lát Xương Cá Chevron (Lát Chữ V)

Lát sàn kiểu xương cá Chevron (lát chữ V) cũng là một lựa chọn đẳng cấp tiếp theo mà bạn có thể tham khảo khi muốn thi công hoàn thiện công trình. Kiểu lát sàn gỗ này đặc trưng với kỹ thuật xếp các tấm gỗ thành hình chữ V hoặc V ngược và tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ và có chiều sâu cho không gian. Các tấm ván được lát theo một góc 45 độ, sau đó ghép với nhau theo trục đứng đối xứng. Kiểu lát sàn Chervon này thường được sử dụng trong các thiết kế nội thất sang trọng và thanh nhã của phong cách hiện đại mang lại vẻ đẹp mạnh mẽ, có chiều sâu.

Tùy thuộc vào phong cách thiết kế và sở thích cá nhân, bạn có thể chọn kiểu lát sàn gỗ phù hợp nhất cho ngôi nhà của mình. Kiểu dáng đa dạng của sàn gỗ sẽ giúp tạo nên một không gian sống độc đáo và thú vị, mang lại cho ngôi nhà của bạn sự đẳng cấp và phong cách riêng.

Hướng dẫn các bước tự ốp sàn gỗ đơn giản dễ làm

Để tự ốp sàn gỗ một cách đơn giản và đạt được kết quả hoàn hảo, bạn cần tuân thủ một quy trình kỹ thuật cụ thể. Dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu vào từng bước để bạn có thể tự thực hiện dự án này một cách tỉ mỉ và chất lượng.

Bước 1: Vệ Sinh Sạch Sẽ Bề Mặt

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là làm sạch bề mặt nền. Bất kể là bề mặt nền gỗ, gạch, hoặc bất kỳ loại nền nào khác, bạn cần loại bỏ mọi vật thể trên sàn. Đặc biệt, hãy kiểm tra và xử lý các vết lồi lõm hoặc không phẳng.

Sau đó, quét dọn bề mặt để loại bỏ hết bụi bẩn và mảng bám. Bạn có thể sử dụng máy hút bụi hoặc cây lau nhẹ để đảm bảo bề mặt hoàn toàn sạch.

Bước 2: Trải Lớp Lót Sàn

Lớp lót sàn là bước quan trọng để bảo vệ sàn gỗ khỏi độ ẩm và tiếng ồn khi đi lại trên bề mặt sàn gỗ. Các loại lớp lót thông dụng bao gồm xốp nilong, xốp tráng bạc, hoặc cao su non. Bạn cần chọn loại lớp lót phù hợp với sàn gỗ và yêu cầu của bạn. Khi trải lớp lót, hãy đảm bảo nó được trải đều và chạm vào chân tường khoảng 8mm nếu bạn đang lát sàn gỗ có độ dày 8mm, hoặc 12mm nếu sàn dày 12mm. Điều này giúp tạo khoảng cách cần thiết cho sự giãn nở tự nhiên của sàn gỗ. Đừng chồng lớp lót lên nhau và hãy dán chặt các mối nối bằng băng keo chuyên dụng bạn nhé.

Bước 3: Lắp Đặt Sàn Gỗ

Sau khi trải lớp lót, bạn có thể bắt đầu lắp đặt sàn gỗ. Dưới đây là các bước cụ thể để thực hiện quy trình này một cách chính xác:

– Bắt đầu lắp sàn từ góc trái của phòng và tiến hành từ trong ra ngoài.

– Đảm bảo rằng chiều của vân gỗ là song song với chiều ánh sáng chiếu vào phòng để tạo hiệu ứng thẩm mỹ tốt nhất.

– Lắp sàn từ trong ra ngoài, tạo mạch thẳng với mép cửa phòng.

– Khoảng cách tối thiểu giữa mép sàn và chân tường là 8mm để đảm bảo không gian cho sự giãn nở tự nhiên của vật liệu.

– Đối với các thanh gỗ nối đầu, hãy lắp chúng sao cho các mối nối chạm nhau hoặc ghép theo hình xương cá.

– Lưu ý là bạn nên chuyển ván sàn về nơi thi công trước ít nhất 24 giờ để vật liệu có thời gian thích nghi với môi trường. Rồi sau đó chúng ta mới tiếp hành lát sàn gỗ bạn nha.

Bước 4: Lắp Đặt Phụ Kiện Sàn Gỗ

Phụ kiện sàn gỗ không chỉ làm đẹp mà còn che đi các mối nối và khe hở. Bạn có nhiều lựa chọn cho phụ kiện sàn gỗ như phào nhựa chân tường, phào gỗ công nghiệp, nẹp nhựa, nẹp inox, nẹp đồng, nẹp nhôm, nẹp hợp kim, tùy thuộc vào phong cách thiết kế của bạn.

Ở vị trí mối nối kết thúc với mép cửa, bạn có thể sử dụng nẹp kết thúc. Còn ở các vị trí chuyển tiếp màu hoặc vật liệu khác nhau, bạn có thể dùng nẹp chữ T cho phù hợp.

Bước 5: Vệ Sinh Cuối Cùng

Cuối cùng, kiểm tra lại toàn bộ hiệu quả thi công và thực hiện vệ sinh cuối cùng. Đừng quên sử dụng máy hút bụi và khăn mềm ẩm để làm sạch sàn. Sau đó, bạn có thể dọn vào sử dụng ngay mà không cần chờ đợi thêm.

Nhớ rằng việc tự ốp sàn gỗ đòi hỏi kiên nhẫn và sự cẩn thận. Tuy nhiên, nếu bạn tuân thủ đúng quy trình và sử dụng công cụ ốp lát sàn gỗ đúng cách, bạn sẽ tự mình tạo ra một không gian sinh hoạt đẹp và thoải mái.

Và đó là những hướng dẫn chi tiết các tự ốp sàn gỗ đẹp như thợ mà Blog Nội Thất Đẹp muốn chia sẻ với bạn trong video ngày hôm nay. Nếu bạn cũng quan tâm đến chất liệu ốp lát sàn gỗ hay lưu ý khi thi công công trình tại nhà, đừng quên tham khảo một số video mà Blog Nội Thất Đẹp đính kèm ở dưới phần mô tả nha.